TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa nhật tuần lễ thứ tư mùa phục sinh -B

Thứ ba - 16/04/2024 23:56 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   127
“Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên.”

Chúa nhật tuần lễ thứ tư mùa phục sinh -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

PS4b a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 11-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Hình ảnh người mục tử đi trước dẫn đoàn chiên của mình tiến về đồng cỏ xanh, rồi sau đó tìm về nguồn nước mát, luôn là một hình ảnh gần gũi, thân thiện và ấm áp. Đức Giêsu đã mượn hình ảnh đó để diễn tả một tình yêu gần gũi, thân thiện nhưng có chiều sâu, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ tư mùa phục sinh gợi lên hình ảnh đó, để nhắc cho con cái trong gia đình Giáo hội, hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn của mình, để các ngài cố gắng họa lại hình ảnh người mục tử nhân lành, khi được gởi đến một cộng đoàn, một đoàn chiên. Thánh Gioan thường dùng một hình ảnh tinh tế đó là tương quan hai chiều, để nói về ơn gọi của người mục tử, và bổn phận của mỗi con chiên trong đoàn, làm sao để gắn bó trong tình hiệp thông, liên đới và trách nhiệm.

Sau khi được nhận lãnh Thánh Thần từ Đấng phục sinh, các Tông đồ mạnh dạn bước qua sự sợ hãi và những giới hạn của mình, đi về phía đoàn chiên đang đói,  đang khát và đang mong được chăm sóc, các ngài đã minh định cho mọi người biết, tài năng, sức lực và trí tuệ thế gian không thể làm được những việc như họ đã và đang thấy, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa từ Đấng phục sinh, mới có thể giúp cho con người chỗi dậy từ những đau khổ thể xác và tinh thần, cho họ được tự do và bình an: “Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây”. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép rửa mới có thể giải thoát con người, cứu độ con người và cho người được tự do, được hạnh phúc và được chữa lành. Niềm tin và lòng mến sẽ là phương thuốc hữu hiệu giúp con người tìm lại chính mình trong gia đình Thiên Chúa.

Đi tìm lời giải từ ngôn ngữ của trái tim, người ta chỉ tìm thấy một đáp án là con số 0, bởi ngôn ngữ của tình yêu thì huyền nhiệm, chiều sâu của tình yêu thì vô biên và bến bờ của tình yêu thì mênh mông, bởi thế, làm sao ngôn ngữ con người diễn đạt trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Gioan Tông đồ đã dành phần còn lại cuộc đời tuổi xế chiều, để giải mã ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa, cuối cùng, ngài thốt lên rằng: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra”. Con người là gì mà Thiên Chúa phải bận tâm, còn được gọi Thiên Chúa là Cha nữa. Mối tương quan này chỉ có con cái trong nhà mới thấu hiểu phần nào, chứ người ngoài làm sao hiểu thấu.

Người mục tử đi trước, dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ, trông thật dễ thương, đầm ấm. Trước khi ra đi, người mục tử gọi tên từng con một, anh ta biết chúng, còn chúng nghe tiếng người chủ của nó. Thế rồi, cả đoàn đi theo bước chân người mục tử. Còn hình ảnh nào đẹp cho bằng tình thương của người mục tử dành cho đoàn chiên, còn ân tình nào vẹn nghĩa cho bằng cả đoàn chiên nghe tiếng chủ, đi theo chủ và được ở bên cạnh chủ mình: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta”. Biết chiên và biết từng con một, phải là một người mục tử sống hết tình, hết mình và hết bổn phận cho đoàn chiên. Còn đoàn chiên, để nghe được tiếng chủ, chúng nó phải biết phân biệt đâu là chủ nhân lành, đâu là người chăn thuê, để khi gặp khó khăn, chúng nó sẽ đi theo ai và phải xa lánh ai. Một tương quan hai chiều rất đẹp và có ích cho cả hai.

Người mục tử đích thực và người chăn thuê có những gì đặc điểm gì khác nhau, chắc chắn là nhiều rồi. Người mục tử đích thực, là người làm chủ đoàn chiên, là người biết từng con chiên, biết sở thích và thói quen của chúng, biết luôn cả những bệnh tật và thói xấu của chúng, vì thế, khi anh ta lên tiếng, đoàn chiên nghe theo, khi anh ta tới gần con nào, con đó sẽ cảm nhận được sự ân cần và yêu thương dành cho nó. Với những thói quen và thao thức của người mục tử đích thực, có thể nói rằng, người mục tử đích thực là người luôn sống hết mình với đoàn chiên, hết tình với từng con chiên và hết bổn phận với công việc được trao phó. Còn người chăn thuê, vì không là sở hữu, nên anh ta chỉ làm hết giờ dù chưa hết việc, chỉ làm hết việc nhưng chưa hết bổn phận, do đó, làm sao anh ta có thể biết và hiểu từng con chiên một, làm sao anh ta có thể đứng lại khi sói dữ tấn công đoàn chiên và làm sao anh ta cố gắng tìm đồng cỏ xanh và suối nước mát cho đoàn chiên.

Tất cả những ai là con người đều là một thành viên trong đoàn chiên của người mục tử nhân lành. Dẫu rằng được sinh ra và lớn lên trong một đoàn chiên đó, nhưng không thiếu những con chiên chưa nghe được tiếng chủ, chưa biết chủ mình là ai, chắc còn nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với từng con chiên là thế, nhưng với chủ chăn thì người biết rõ và biết rất rõ từng con chiên. Để nghe được tiếng chủ chăn, con chiên cần có sự khiêm tốn và biết lắng nghe, tiếng chủ đích thực sẽ đến từ trái tim và tình yêu, vì thế, mỗi con chiên có một trái tim mở, có một sự khát khao mong tìm bình an và hạnh phúc, ắt sẽ nghe được đâu là tiếng của chủ và đâu là tiếng người chăn thuê. Vì mong cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, người mục tử nhân lành luôn cố gắng để đưa những con chiên ngoài chuồng về cùng một đoàn, để chỉ có một đoàn chiên và một chủ chăn.

Hình ảnh gần gũi và ấm áp nhất về chủ và đoàn chiên là hình ảnh một gia đình. Cha mẹ sẽ là những chủ chăn đích thực, là người mục tử nhân lành, dám sống và chết cho đoàn chiên của mình. Họ luôn tìm những đồng cỏ xanh tươi cho đoàn con, tìm suối nước mát lạnh cho đoàn chiên mình. Họ sẽ dạy con cái sống tình liên đới với các thành viên trong đoàn chiên nhỏ, họ sẽ hướng dẫn con cái cách sống có ích và có nhân văn, nếu như chúng biết nghe lời chủ chăn. Mỗi một thành viên trong đoàn chiên nhỏ đó, biết lắng nghe, biết tôn trọng nhau và biết cố gắng thì sẽ là những nhân tố quan trọng cho một đoàn chiên lớn, một cộng đoàn giáo xứ, một cộng đoàn giáo họ. Vì thế, những bài học từ gia đình, luôn là những tài liệu căn bản, những bài học vỡ lòng cho con người thành nhân và thành thân. Hãy cầu nguyện cho những người mục tử nhân lành nơi các gia đình là Cha, là Mẹ của mỗi người.

Lạy Chúa là người mục tử nhân lành, Chúa đã sống hết mình với chúng con khi hiến dâng mạng sống, Chúa đã sống hết tình với chúng con khi trao chính Thịt và Máu Chúa để nuôi dưỡng chúng con và Chúa đã sống hết bổn phận khi chấp nhận chết để đưa chúng con về trời, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa, biết sống theo đường lối của Tin mừng, để mỗi ngày chúng con có được một đồng cỏ xanh để ăn uống, một dòng nước trong lành để tắm mát và nghỉ ngơi trong vòng tay người mục tử nhân lành. Xin Chúa là người mục tử nhân lành đưa những con chiên không thuộc đoàn này về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa Cha, để chỉ có một chủ chăn duy nhất và một đoàn chiên theo Ngài. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây