TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH

Thứ tư - 24/04/2024 14:32 |   136
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,6-14)

03/05/2024
THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH
Thánh Philípphê và Giacôbê, tông đồ

thánh Giacobe

Ga 14, 6-14


ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊ-SU
Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không  qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,6-14)

Suy niệm: Con đường nào cũng thường mang một cái tên, và đưa ta đến một đích điểm. Nhà thơ Razul Gamzatov (+2003) nói đến một con đường đặc biệt:

    Trên trái đất đường đi không kể xiết
    Đường dài lâu, gian khó cũng rất nhiều.
    Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết,
    Là con đường ta vẫn gọi: tình yêu

Con đường khó và dài, con đường tình yêu ấy chính là đường đưa ta về quê trời; con đường ấy phải có một cái tên: đường Giê-su. Đường Giê-su không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con người: “Ta là Con Đường”. Đường Giê-su thật độc đáo, bởi vì Đức Giê-su không đưa ra một số giáo lý phức tạp phải tin, một mớ điều răn phải giữ để đi đường, Ngài chỉ ban cho ta một điều răn: yêu nhau như Ngài đã yêu ta. Hơn nữa, Ngài còn cầm tay ta và cùng bước đi với ta trên con đường mang tên Giê-su ấy.

Bạn nhớ rằng trên đường Giê-su, bạn chỉ có một hướng dẫn viên lữ hành: chính Đức Giê-su; bạn chỉ có một bản đồ: đó là tình yêu. Nếu muốn về quê trời, bạn hãy bước đi trên đường Giê-su, theo hướng dẫn viên Giê-su và với tấm bản đồ tình yêu.

Sống Lời Chúa: Đứng trước một hoàn cảnh trái ý, tôi sẽ phản ứng theo cung cách yêu thương mà Đức Giê-su đã dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin rằng chỉ có Chúa là Con Đường đưa chúng con đến sự sống vĩnh cửu, đến quê trời ước mong. Chúng con nguyện sẽ cầm chắc tay Chúa, để Chúa dắt đi trên con đường mang tên Chúa: con đường Giê-su. Amen.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Con chiên đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, khôn ngoan, sức mạnh và danh dự – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, này chúng con được hoan hỷ mừng mầu nhiệm Vượt Qua, xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với mầu nhiệm đó, để Ðức Kitô sống lại luôn giữ gìn và cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 56, 8-9. 10-12

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc.

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất!

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 12-17

“Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận lễ tế này là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Đấng chịu đóng đinh trên thập giá đã phục sinh và đã cứu chuộc chúng ta – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô con Chúa như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu thánh Người: cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“YÊU NHƯ THẦY” (Ga 15, 12-17)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.

Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của người môn đệ, nên Đức Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu thương khi nói: “Anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con hiểu cả! Nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Philípphê và Giacôbê, tông đồ

Ca nhập lễ

Những vị này là những người thánh thiện, mà Chúa đã tuyển chọn trong tình thương chân thật và ban cho các Ngài vinh quang muôn đời, – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mừng lễ hai thánh tông đồ Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê. Xin Chúa thương nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Giê-su để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 1-8

“Chúa hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.

Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia: Ga 14, 6b và 9c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 6-14

“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng Tô-ma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Phi-líp-phê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giê-su nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Phi-líp-phê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhận của lễ chúng con dâng để mừng lễ hai thánh Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê tông đồ. Xin cũng cho chúng con một tấm lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông Ðồ

Ca hiệp lễ

Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con. Hỡi Philippphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho của ăn thánh chúng con vừa lãnh nhận thanh tẩy tâm hồn chúng con để cùng với hai thánh Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê tông đồ, chúng con được chiêm ngưỡng Chúa trong Ðức Ki-tô Con Chúa và xứng đáng được hưởng sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Chúa Giê-su luôn gần gũi với các môn đệ, và vẫn gần gũi bên chúng ta.

Trong Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã giải thích cho các Tông Đồ rằng Người đã sửa soạn chỗ cho họ trên trời, để họ sẽ được ở với Người mãi mãi, và họ đã biết cách để đến nơi đó. Cuộc hàn huyên cứ tiếp tục – các Tông Đồ nêu câu hỏi, và Thầy Chí Thánh trả lời. Lúc ấy, Phi-líp-phê nêu lên một câu hỏi dường như lạc lõng: “Lạy Thầy, xin tỏ chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giê-su đã trách yêu người môn đệ: “Thầy đã ở với con bấy lâu rồi, mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Phi-líp-phê? Hễ ai nhìn thấy Thấy là đã nhìn thấy Cha Thầy, sao con lại nói, ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha”.’Có lẽ nhiều lần Chúa Giê-su cũng phải trách chúng ta như đã trách thánh Phi-líp-phê! Thầy đã ở với con bấy lâu rồi mà con vẫn không nhận ra Thầy sao! Chúa có thể kể cho chúng ta hết trường hợp này đến trường hợp khác, những lần chúng ta có lẽ đã vì áp lực hoàn cảnh mà quên mất mình là con cái Chúa và sự gần gũi của Người. Chúng ta thấy lời đáp của Chúa Giê-su dành cho người Tông Đồ thật an ủi biết bao! Chúng ta cũng nhận ra nơi vị Tông Đồ ấy con người của chúng ta.

Chúa Giê-su mặc khải về Chúa Cha. Nhân tính Chúa Ki-tô là con đường để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần. Cách thế thông thường để đến với Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm Chúa Kitô. Nơi Người, chúng ta có mặc khải tối chung về Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính Người… đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải, bằng tất cả sự hiện diện của Người, và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến. Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời. Chúa Ki-tô làm cho cuộc đời của chúng ta được sung mãn. Thánh Au-gút-ti-nô đã nói, Thiên Chúa đủ cho bạn rồi. Ngoài Người ra, không gì có thể nói được như thế. Thánh Phi-líp-phê đã hiểu điều này rất rõ khi nói rằng, “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” Chúng ta đã có một niềm xác tín như thế chưa?

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo truyền thống, việc cử hành lễ này bắt nguồn từ việc cung hiến đại thánh đường dâng kính Mười hai vị thánh Tông Đồ tại Rôma ngày 1 tháng 5 năm 565. Nhân dịp này, có lẽ người ta đã đặt dưới bàn thờ thánh tích của các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Vì thế, ở Tây Phương, người ta mừng lễ chung cả hai thánh.

Thánh Philipphê (tiếng hy-lạp = Philippos = người thích ngựa), là một trong nhóm Mười hai, quê quán tại Betsaide, cùng thành phố với Anđrê và Phêrô (Ga 1,44). Trong danh sách các Tông Đồ, ngài luôn chiếm vị trí thứ năm, và trong sách Tin mừng của Gioan, ngài xuất hiện ba lần trong tư cách người bạn tâm giao của Đức Giêsu. Ngài đã nói với Nathanael: Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: Đó là ông Giêsu… Cứ đến mà xem (Ga1,45 –46). Rồi cùng với Anđrê, ngài tham gia vào hai việc quan trọng: lúc đầu, lúc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và trước ngày Chúa chịu khổ nạn – đó là ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêsusalem; lần sau, khi ngài làm môi giới cho các khách hành hương Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu (Ga12, 20 –21). Tin mừng của Gioan còn cho ta thấy ngài tại bàn Tiệc Ly, ngài nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ...” (Ga 14, 8 tt).

Theo truyền thuyết, có lẽ Philípphê đã rao giảng Tin Mừng cho miền Tiểu Á và chịu đóng đinh tại Hiérapolis, vùng Phrygie. Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài với cây thập giá trong cuộc tử đạo, hay đang lúc chịu đóng đinh.

Giacôbê – được gọi Hậu hay Tiểu huynh – cũng là một trong nhóm Mười hai. Người ta thường đồng hóa ngài với Giacôbê, người anh em của Chúa (Gl 1,19, Mc 6,3), là giám mục Giêrusalem và nhân vật hàng đầu của Hội thánh tiên khởi (Cv 15). Đức Giêsu hiện ra cho ngài sau khi Người đã phục sinh (Cv 15, 1- 8) và có lẽ ngài cũng là tác giả của thư Giacôbê.

Theo lưu truyền, Giacôbê Hậu chịu tử đạo tại Giêrusalem. Sau khi đẩy ngài từ trên cao Đền thờ xuống, người ta kết liễu đời ngài bằng cuộc ném đá. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài với một cái chùy cối xay, hay cuốn sách.

Thông điệp và tính thời sự

a. Lời cầu xin của Philípphê với Đức Giêsu: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha; như thế là chúng con mãn nguyện (Phúc Âm ngày lễ: Ga 14,6-14) và lời đáp của Thầy: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, tất cả đều là trọng tâm của lời kinh Phụng Vụ.

Lời nguyện nhập lễ gợi lại mục đích đời sống Kitô hữu: là “được thông phần vào cuộc Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Kitô để “được chiêm ngưỡng vinh quang của Người”. Quả vậy, chính Đức Kitô là đường dẫn đến Chúa Cha: Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Cha mà không qua Thầy… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Thầy (câu 6 và 9). Các câu này trở đi trở lại nhiều lần trong Thánh lễ và trong các giờ kinh Phụng Vụ.

b. Cả Philípphê lẫn Giacôbê đều được thấy Đấng Phục Sinh và đã làm chứng về Người. Giacôbê được thánh Phaolô nhắc đến (1 Cr 15,8) như là một nhân chứng về sự sống lại của Chúa: … sau đó, Ngài cũng hiện ra cho Giacôbê (bài đọc một trong Thánh lễ).

Lời nguyện trên lễ vật gợi lại lòng đạo đức đích thật được các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê giảng dạy và chúng ta được mời gọi “thực thi cách tinh truyền và không có gì đáng trách”. Như thế, chúng ta cũng nhớ đến Thư của thánh Giacôbê – Theo lưu truyền được gán cho Giacôbê, người anh em của Chúa – qua đó chúng ta đọc: Lòng đạo đức tinh truyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27). Vậy sự tôn thờ đích thật, phù hợp với lời giảng dạy của các ngôn sứ, không thể tách rời khỏi lẽ công bình và lòng yêu mến các kẻ “Hèn mọn”: … Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,17)

Enzo Lodi


CHIÊM NGƯỠNG NHAN THÁNH CHÚA
(LỄ THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ GIACÔBÊ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ: kính hai thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa cho chúng ta được hân hoan mừng lễ hai thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Xin Chúa thương nhậm lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà ban cho chúng ta biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, Con Một Chúa, để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời.

Thánh Philípphê quê ở Bétxaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Chúa Giêsu. Còn thánh Giacôbê, người là anh em bà con với Chúa và là con của ông Anphê. Người đã lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã giúp cho nhiều người Dothái đón nhận đức tin. Người còn để lại một bức thư. Người chịu tử đạo năm 62.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời là phần thưởng dành cho những ai can đảm làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc các Tông Đồ bị bắt bớ, bị tống ngục vì Danh Đức Kitô: Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Các ngài được tràn đầy Thánh Thần, và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời là ơn cứu độ, mà Đức Giêsu muốn các Tông Đồ ra đi rao giảng cho tất cả mọi người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, linh mục Tetulianô đã cho thấy: Đi đến thành nào, các ông cũng xây dựng cộng đoàn Hội Thánh tại thành ấy. Rồi từ các cộng đoàn này, những cộng đoàn khác đã vay mượn, và hằng ngày còn tiếp tục vay mượn cành chiết đức tin, và hạt giống giáo lý, để trở thành những cộng đoàn Hội Thánh thực thụ. Do đó, những cộng đoàn này cũng được coi là Tông Truyền, vì là cây con của những cộng đoàn Hội Thánh do chính các Tông Đồ thiết lập.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời là niềm hạnh phúc của những ai đã gặp thấy Chúa, và họ cũng muốn cho người khác được hưởng niềm hoan lạc đó, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã nói: Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18A, vịnh gia cũng ước mong Tin Mừng cứu độ được loan đi khắp hoàn cầu: Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu. Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Này anh Philípphê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Thiên Chúa là tình yêu, ai biết Thiên Chúa là biết yêu. Ai không biết yêu thương, thì không thể biết Thiên Chúa được. Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời là chiêm ngưỡng Đấng là Tình Yêu, để được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Philípphê và Giacôbê, ước gì chúng ta biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, để chúng ta được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Thiên Chúa là tình yêu, mà Thiên Chúa thì vô hạn, vì thế, chúng ta đừng giam hãm tình yêu trong cõi lòng chật hẹp của chúng ta. Chúa đã yêu chúng ta đến đổ giọt máu giọt nước cuối cùng trên thập giá để cứu độ chúng ta. Ước gì chúng ta hằng biết chiêm ngắm tình yêu cứu độ của Người, để rồi, chúng ta cũng biết mở rộng con tim đến cùng, để yêu thương hết tất cả mọi người như Chúa! Ước gì được như thế!

KHÔNG THỂ SAI LẦM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” - H. E. Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ chứng thực câu nói của Fosdick, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!”. Ai chọn Chúa Kitô, người ấy ‘không thể sai lầm’ vì đã chọn đúng tuyệt đối. Ngài nói, “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

Chúa Kitô là Thiên Chúa, nhưng cũng là con người! Vì thế, bước theo Chúa Kitô, bạn tìm thấy đường đi; tin Chúa Kitô, bạn nhận ra lẽ thật; chấp nhận Chúa Kitô, bạn có sự sống đời đời! Là Kitô hữu, bạn không chỉ tuân theo một số quy tắc, tin một số tín điều; nhưng là đi theo một Con Người! Những lời gãy gọn của Giám mục Fulton Sheen thật ý nghĩa, “Tất cả giáo lý là Chúa Kitô!”. Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi vấn đề; vấn đề sự sống, vấn đề sự chết; và vấn đề bên kia cái chết, sự sống đời đời. Ai chọn Chúa Kitô thì ‘không thể sai lầm’ vì đã chọn chính Thiên Chúa!

Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một người thực dụng như Philipphê; ấy thế, đó là câu trả lời không thể thật hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không chết, nên Con Thiên Chúa làm người để ai ‘nhìn thấy’ Ngài thì luôn ‘sống!’. Cốt lõi giáo lý về sự Nhập Thể là - giờ đây - “khuôn mặt” Thiên Chúa hiển hiện nơi Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy sự sống, thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Kitô. Ngài ‘mang trời xuống đất’ khi nhập thể; ‘mang đất lên trời’, khi đem chúng ta về ‘Nhà của Cha’. Với tư cách con đường, Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha; tư cách sự thật, Ngài mặc khải Chúa Cha; và tư cách sự sống, Ngài chia sẻ sự sống thần linh.

Một sự trùng hợp thú vị khi trong thư Côrintô hôm nay, đến mấy lần, Phaolô đề cập đến việc nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Ngài đã hiện ra “với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt”; Ngài cũng hiện ra “với Giacôbê, với tất cả các tông đồ”; và sau cùng, với Phaolô như “một đứa trẻ sinh non”. Nhờ việc thấy Ngài, họ mạnh dạn đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận, “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”. Mỗi ngày, đi trên con đường Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã “chọn nơi nó dẫn đến”, nó dẫn đến Chúa Cha! Có Chúa Cha, bạn và tôi có tất cả; có thiên đàng, có sự sống hôm nay, có sự sống vĩnh cửu! Vậy Kitô hữu sẽ không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Có chứ! Vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo gian khó của nó, và trên đường, Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết; vì thế, Ngài có thể dẫn chúng ta đi, cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và chắc chắn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng đích!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đường đời muôn hướng nhưng ‘không dẫn đến đâu’. Giúp con chọn con đường Giêsu mỗi ngày; vì chọn Ngài, con ‘không thể sai lầm!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây